Những hướng dẫn dưới đây sẽ giúp bạn quyết định nên giải quyết vấn đề nào trước trong ba vấn đề trả nợ, tiết kiệm và đầu tư. Các khoản nợ từ gia đình, thẻ tín dụng, trả góp, nợ mua nhà, mua xe… Là những loại nợ mà nhiều người gặp phải khi bắt đầu tham gia vào lực lượng lao động. Giống như mọi nguời, bạn có thể đang phải đau đầu trong việc tìm kiếm giải pháp để trả các khoản nợ này cùng lúc với việc xây dựng một tài khoản tiết kiệm để đề phòng cho các trường hợp khẩn cấp (chưa đề cập đến tài khoản nghỉ hưu)
Cố gắng để đưa ra quyết định cái nào nên làm trước cái nào nên làm sau trong hàng loạt các vấn đề tài chính quan trọng có thể dẫn đến stress nặng. Bạn lầm vào tình trạng, không xác định được mục tiêu tài chính nào là tốt nhất để dồn sự tập trung của mình vào giải quyết. Làm theo các bước dưới đây có thể giúp bạn có được một lộ trình hành động cụ thể.
Bước 0. Thanh toán các khoản phải trả tối thiểu
Bạn hãy cố gắng thanh toán tất cả các khoản nợ, lãi khi đến kỳ hạn ở mức tối thiểu. Giữ các khoản nợ của bạn ở trong tình trạng tốt là một trong những yếu tố quan trọng nhất để bảo vệ điểm tín dụng cũng như uy tín của bạn. Việc bỏ qua các khoản thanh toán tối thiểu này có thể làm bạn phải chịu phí phạt và lãi suất kép. Với tình trạng lãi mẹ đẻ lãi con thì các khoản nợ của bạn sẽ lớn lên rất nhanh chóng. Ngoài ra, việc bạn đánh mất uy tín của mình sẽ làm bạn rất khó để có thể nhờ vả cũng như tìm được đối tác mới trong những cơ hội kinh doanh sau này.
Bước 1. Xây dựng một khoản tiền phòng hộ
Khi bạn đã thanh toán được tất cả các nghĩa vụ phải trả tối thiểu. Đây là lúc để bạn thực hiện tích lũy một số tiền phòng hộ. Bạn có thể bắt đầu tiết kiệm với một con số cụ thể chẳng hạn như 3 hay 5 triệu và sau đó tích lũy một số tiền tương đương với một tháng sinh hoạt phí. Khi tài khoản này lớn lên bạn sẽ thấy mình dễ thở hơn một chút.
Bạn sẽ có tiền tích lũy để có thể chi trả trong những trường hợp bất ngờ xảy ra. Bạn sẽ không lâm vào tình trạng không thể thanh toán hóa đơn vì tài khoản không còn tiền. Tài khoản này cũng sẽ là tiền đề để bạn có thể xây dựng một quỹ phòng hộ hoàn chỉnh sau này.
Bước 2. Cố gắng đạt đến phúc lợi tối đa khi làm việc
Bước tiếp theo, bạn hãy tìm kiếm những trái ngọt tài chính vừa tầm tay. Điều này có nghĩa là bạn hãy tận dụng tất cả các khoản phúc lợi khi làm việc cho một doanh nghiệp. Chẳng hạn như các khoản lương, thưởng, phụ cấp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… Các khoản tiền này giống như những trái ngọt có sẵn vừa tầm với. Để được hưởng đầy đủ quyền lợi, doanh nghiệp thường bắt người lao động cam kết gắn bó trong một khoảng thời gian. Hãy cố gắng ở lại đủ lâu để có thể nhận đầy đủ quyền lợi này
Bước 3. Trả hết thẻ tín dụng
Nếu bạn đang nợ thẻ tín dụng hãy bắt đầu cắt giảm các khoản nợ này bằng cách trả nợ nhiều hơn khoản tối thiểu mỗi tháng. Giới hạn các khoản nợ thẻ tín dụng là một mục tiêu quan trọng để bạn không mắc kẹt trong tình trạng lãi suất cao. Bạn cần nhớ, thẻ tín dụng luôn là một khoản nợ có lãi suất thuộc loại cao nhất và ảnh hưởng đáng kể đến kế hoạch tài chính của bạn.
Nếu bạn có nhiều hơn một thẻ tín dụng thì bạn hãy tập trung vào những thẻ có lãi suất cao nhất để trả nợ trước rồi tới thẻ có lãi suất cao thứ hai… Cứ như vậy cho đến khi bạn không còn khoản nợ thẻ tín dụng nào nữa
Bước 4. Làm đầy quỹ phòng hộ
Nếu bước 1 bạn được hướng dẫn để dành ra một khoảng tiền dành cho những trường hợp khẩn cấp. Thì bước này đòi hỏi bạn tích trữ lượng tiền ấy đầy đủ như một quỹ phòng hộ trong trường hợp khẩn cấp. Các chuyên gia đề xuất quỹ này nên tích lũy lượng tiền tối thiểu 3 đến 6 tháng chi phí sinh hoạt của bạn.
Mặc dù có vẻ như quỹ này dự trữ khá nhiều tiền mặt. Nhưng bạn cần nhớ rằng, đây là khoản tiền để giúp ổn định cuộc sống cũng như ổn định các mục tiêu tài chính của bạn. Quỹ sẽ giúp bạn không bị khủng hoảng khi có sự cố bất ngờ to lớn như mất việc, bệnh hoạn, thiên tai hoặc những vấn đề nghiêm trọng khác.
Bước 5. Cân nhắc giữa đầu tư và trả hết mọi khoản nợ
Nếu bạn đạt được tới bước này tức là vấn đề tài chính của bạn đã trở nên dễ thở hơn rất nhiều. Lúc này bạn có thể lựa chọn đầu tư hay trả hết nợ. Nếu bạn có những khoản nợ có lãi suất thấp hoặc bằng lãi ngân hàng và khả năng đầu tư của bạn lớn hơn lãi ngân hàng bạn có thể cân nhắc giữ nguyên khoản nợ và tập trung nhiều hơn cho đầu tư. Cuối cùng, bạn cần có mục tiêu tiết kiệm 15% thu nhập sau thuế để đầu tư và dành khoản tiền này cho việc nghỉ hưu.
Bước 6. Tập trung vào các mục tiêu tài chính khác
Khi nợ được trả hết, tài khoản nghỉ hưu, tài khoản phòng hộ được lắp đầy. Tình hình tài chính của bạn đã an toàn. Bạn có thể tập trung các mục tiêu khác như như tiền học cho con, tiền mua nhà mới, mua xe, đầu tư thêm…..
Lúc này, nếu bạn không có một nhà tư vấn tài chính bạn có thể cân nhắc làm việc với một chuyên gia. Những chuyên gia này sẽ giúp bạn xác định thứ tự ưu tiên các mục tiêu tài chính mới cũng như đề ra các chiến lược về tiết kiệm và đầu tư nâng cao phù hợp với cá nhân bạn.
Nhận xét
Đăng nhận xét