Tác động của những biến ngẫu nhiên lên quá trình đầu tư là rất lớn. Giống như câu chuyện về thiên nga đen. Trước năm 1697, cả thế giới chỉ biết đến loại thiên nga có lông trắng. Nhưng mọi thứ đã bị đảo lộn khi một nhà thám hiểm Hà Lan trong chuyến thám hiểm đến nước Úc đã phát hiện một loài thiên nga có bộ lông màu đen.
1. Đinh nghĩa sự kiện thiên nga đen
Thuật ngữ thiên nga đen - "Black Swan" được đưa ra bởi nhà tài phiệt và tác giả Nassim Nicholas Taleb để chỉ những sự kiện hiếm và không thể dự đoán xảy ra trong thị trường tài chính và kinh tế. Taleb sử dụng ví dụ của sự tồn tại của một loài thiên nga đen (Black Swan) để minh họa rằng sự kiện hiếm khi xảy ra có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến thị trường và cả nền kinh tế.
Các dữ liệu trong quá khứ thường được các nhà phân tích sử dụng để đánh giá và dự đoán thị trường hiện tại. Tuy nhiên, điều này gây phản ứng chậm đối với những sự kiện mới chưa từng xảy ra, thậm chí là phán đoán sai và phải trả giá rất đắt. Vì thế nhà đầu tư cần chú ý và luôn giữ tư tưởng cởi mở để đón nhận cũng như xử lý những sự kiện bất ngờ xảy ra.
2. Một vài sự kiện thiên nga đen tiêu biểu
Khủng hoảng kinh tế 2008 của Mỹ bắt đầu với sự kiện Lehman Brothers sụp đổ. Lehman Brothers là một ngân hàng đầu tư lớn ở Mỹ, Sự sụp đổ của nó gây ra những ảnh hưởng tiêu cực rất lớn cho toàn thị trường tài chính và kinh tế thế giới.
Sự kiện "Brexit" (2016): Brexit là từ viết tắt của "British Exit", là quyết định của người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23 tháng 6 năm 2016. Quyết định này đã gây ra sự chấn động lớn đến thị trường tài chính và kinh tế toàn cầu.
Ngày 11.09.2001 Tòa tháp đôi Trung tâm thương mại Thế Giới - New York bị khủng bố làm sụp đổ. Bọn khủng bố đã cướp máy bay dân dụng và đâm thẳng máy bay vào trung tâm hành chính kinh tế của nước Mỹ. Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm rất mạnh hôm đó.
Ở Việt Nam cũng không thiếu những sự kiện như vậy. Tháng 4/2014 việc Trung Quốc kéo dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam cũng đã làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam chao đảo. Rồi sự kiện các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu nền kinh tế vướng vào lao lý, như vụ Bầu Kiên bị bắt, Vụ ông Hà Văn Thắm chủ tịch OGC bị bắt. Gần đây hơn là các vụ việc liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết chủ tịch FLC. Đặc biệt vụ bà Trương Mỹ Lan của Vạn Thịnh Phát bị bắt do vi phạm trong phát hành trái phiếu đã kéo sụp đổ hệ thống trái phiếu bất động sản. Các doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu bị nhà đầu tư đổ xô tới rút tiền. Gây mất thanh khoản toàn bộ hệ thống tài chính và làm thị trường chứng khoán sụp đổ rất mạnh.
3. Phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại bởi sự kiện thiên nga đen
Để đối phó với sự kiện thiên nga đen, các chuyên gia và người quản lý tài sản đề nghị nhà đầu tư nên có chiến lược đa dạng hóa rủi ro. Việc không bỏ hết chứng vào một rổ sẽ giúp nhà đầu tư phòng vệ trước những biến cố bất ngờ. Đây là một cách đơn giản nhưng hiệu quả để giảm thiểu mất mát. Đa dạng hoá đầu tư của bạn vào nhiều loại tài sản khác nhau (ví dụ: cổ phiếu, trái phiếu, vàng, bất động sản, tiền tệ...) sẽ giúp bạn giảm thiểu rủi ro khi một thị trường hay loại tài sản bị ảnh hưởng bởi một sự kiện thiên nga đen.
Sử dụng các sản phẩm tài chính để bảo vệ khoản đầu tư cũng là một cách hay giúp nhà đầu tư tránh thiệt hại bởi sự kiện thiên nga đen. Các sản phẩm tài chính như các hợp đồng tương lai, quyền chọn có tác dụng như những hợp đồng bảo hiểm và có thể được sử dụng để giảm thiểu rủi ro. Ví dụ, một nhà đầu tư có thể mua hợp đồng tương lai để bảo vệ mức lợi nhuận cổ phiếu của mình nếu có sự kiện thiên nga đen tài chính làm giảm giá cổ phiếu.
Các nhà đầu tư cũng cần liên tục theo dõi và quản lý rủi ro để giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp xảy ra sự kiện thiên nga đen tài chính. Các chiến lược quản lý rủi ro bao gồm việc thiết lập giới hạn rủi ro, phân tích độ lớn của rủi ro, đánh giá khả năng mất vốn, v.v.
Nhận xét
Đăng nhận xét