Tâm lý đóng vai trò rất quan trọng trong đầu tư. Thị trường tài chính là nơi có tính biến động cao và không thể dự đoán trước được. Do đó, các nhà đầu tư cần phải có khả năng kiểm soát tâm lý tốt để đưa ra các quyết định đầu tư thông minh. Dưới đây là sai lầm kinh điển liên quan đến tâm lý chủ quan trong đầu tư. Đây là sai lầm mà các nhà đầu tư khi tham gia thị trường sẽ phải trả giá rất đắt nếu phạm phải.
Lần này sẽ khác?
Kinh tế nói chung và thị trường đầu tư nói riêng là một lĩnh vực có tính chu kỳ. Đó là tính chất lặp lại các biến động của thị trường trong một khoảng thời gian dài, ngắn nhất định. Đây là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến sự tăng giảm, tài sản của bạn. Chu kỳ không phải là một phép tính định lượng chính xác và hoàn toàn không thể dự đoán trước được. Nhưng những nhà đầu tư khi tham gia thị trường thì lại rất hay quên đi tính chu kỳ này.
Chúng ta dễ dàng nhìn thấy, đã nhiều lần trong quá khứ. Khi thị trường vào chu kỳ tăng trưởng, các ngân hàng trung ương ra sức bơm tiền kích thích kinh tế. Người người, nhà nhà lao vào mua các tài sản tài chính. Lao vào đầu tư và quên đi việc phòng hộ rủi ro. Thập niên 90, khi internet ra đời, Fed tung ra các gói kích thích bằng cách giảm lãi suất, đưa ra đạo luật Cứu trợ Người nộp thuế 1997. Với mục tiêu phục hồi kinh tế sau cuộc chiến tranh dầu mỏ ở vùng Vịnh. Các nhà đầu tư lao vào thị trường “dot com”như những con thiêu thân. Ra sức mua vào những công ty công nghệ có đuôi “.com” . Họ nói với nhau “ lần này sẽ khác, thị trường sẽ không thể sụp đổ, ngành nghề này là tương lai, nó sẽ thay đổi cuộc đời chúng ta, hãy mua đi. Bán là thua, mua là thắng”. Và rồi bong bóng dot com cũng đổ vỡ. Chỉ số NASDAQ đã giảm hơn 75% trong khoảng thời gian từ tháng 3 năm 2000 đến tháng 10 năm 2002. Kéo theo đó là hàng loạt công ty công nghệ phá sản. Và rất nhiều nhà đầu tư đã mất sạch tiền tiết kiệm của họ.
Sau khi bong bóng Dot-com vỡ. Suy thoái kinh tế hiện lên rõ nét. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tiếp tục dùng những biện pháp tiền tệ để cứu nền kinh tế. Họ hạ lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng. Chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 5 năm 2001 đến tháng 12 năm 2002, lãi suất liên ngân hàng giảm 11 đợt từ 6,5% xuống còn 1,75%. Tín dụng thứ cấp cũng giảm lãi suất theo. Bất động sản và ngành xây dựng trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế. Những tổ chức tài chính với thành phần chủ chốt là các ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán đã có xu hướng cho vay và tham gia vào các thương vụ mạo hiểm hơn. Họ kết hợp, làm việc và sản phẩm “chứng khoán hóa” các khoản cho vay thế chấp ra đời, thông qua các hợp đồng phái sinh CDO. Trước khi có CDO. Một người mua nhà chỉ có thể vay ngân hàng và có nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng. CDO là những hợp đồng giúp ngân hàng bán các khoản thế chấp này ra cho nhà đầu tư cá nhân khác thông qua sự hỗ trợ của các công ty bảo hiểm và công ty chứng khoán. Vậy là trong cơn cuồng loạn CDO chúng ta lại nghe “ lần này sẽ khác, bất động sản luôn tăng giá, người đẻ chứ đất không đẻ, những người mua nhà có nhà còn những người mua CDO sẽ có tiền” và rồi bùm. Lehman Brothers phá sản cùng khoản nợ 600 tỷ đô la, kéo theo toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề. Châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Mọi thứ lại tan nát
Gần đây nhất, để hỗ trợ người dân vượt qua covid chính phủ Mỹ và Fed đã bơm tiền ra nền kinh tế, giữ lãi suất gần 0% và thậm chí phát tiền trực tiếp cho người dân. Những người dân mỹ khi dễ dàng có tiền. họ lại quên hết mọi thứ, lại lao vào các tài sản tài chính. Lại một lần nữa chúng ta nghe điệp khúc “ lần này sẽ khác”. Ngay cả các ngân hàng Mỹ cũng không ngoại lệ. Với lượng tiền gửi khổng lồ nhận được. Họ đã quên hết các quy định phòng ngừa rủi ro, quên đi việc dự trữ lượng tiền mặt tối thiểu để đảm bảo sự hoạt động khi có khủng hoảng. Họ đã dùng quá nhiều tiền để mua một tài sản được cho là an toàn nhất. Trái phiếu chính phủ Mỹ. Khi lạm phát tăng cao, Fed nâng lãi suất với tốc độ kỷ lục. Điều gì tới cũng tới, ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ. Silicon Valley Bank đã sụp đổ chỉ trong vòng 48 giờ vì chịu thua lỗ do nắm giữ các trái phiếu dài hạn. Kéo theo đó là cuộc khủng hoảng ở khắp các ngân địa phương ở Mỹ. Làm rung chuyển toàn bộ ngành ngân hàng thế giới. Fed đã phải vào cuộc cứu trợ các ngân hàng mà giảm bớt mục tiêu kiềm hãm lạm phát.
Lời kết
Khi bạn đầu tư, hãy luôn nhớ rằng, tăng trưởng và suy thoái sẽ luôn xảy ra. Không sớm thì muộn, khủng hoảng sẽ khác nhau về nguyên nhân hay cách thức. Nhưng chắc chắn nó sẽ đến. Bạn hãy chuẩn bị và luôn tỉnh táo để nhìn thấy và ứng phó khi nó đến. Khi bạn kiếm được tiền vào mùa tăng trưởng, hãy luôn tích cóp phòng hờ cho những năm tháng suy thoái. Có như vậy con đường tìm kiếm tự do tài chính của bạn mới có thể thành công bền vững. Bạn mới có một cuộc sống thực sự thoải mái, thảnh thơi.
Nhận xét
Đăng nhận xét