Đầu tư là một hoạt động đầy rủi ro và phức tạp. Để đạt được thành công trong đầu tư, bạn cần phải thực hiện một số bước để giảm thiểu rủi ro và tăng cơ hội thành công. Trước khi quyết định đầu tư bạn nên dành thời gian để nghiên cứu và hiểu rõ các kiến thức quan trọng trong hoạt động đầu tư. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cho bạn những việc cần làm trước khi đầu tư.
1. Xây dựng một quỹ khẩn cấp
Việc xây dựng một quỹ khẩn cấp trước khi đầu tư là rất quan trọng. Quỹ khẩn cấp giúp bạn đối phó với những tình huống không mong muốn như thất nghiệp, bệnh tật hoặc thiên tai. Nếu bạn không có một quỹ khẩn cấp đủ lớn, việc đầu tư có thể trở nên nguy hiểm và gây tổn thất cho bạn. Giả định, bạn đang trong một thương vụ đầu tư cổ phiếu sẽ mang lại suất sinh lời rất lớn cho bạn. Bất ngờ, bạn có chuyện khẩn cấp cần tiền mặt. Để xoay sở, bạn bán cổ phiếu ra. Ngay sau khi bạn vừa bán hết cổ phiếu của mình để giải quyết công việc, giá cổ phiếu lại tăng phi mã. Bạn thẫn thờ nhìn thành quả của mình tan thành mây khói sau khi đã kiên trì chờ đợi một khoảng thời gian khá dài. Đây là câu chuyện thường xuyên xảy ra trên thị trường chứng khoán.
Các chuyên gia khuyến nghị, quỹ khẩn cấp của bạn nên có giá trị tương đương gấp từ 3 đến 6 lần chi tiêu hàng tháng của bạn. Quỹ khẩn cấp có thể được xây dựng bằng cách tiết kiệm một phần thu nhập hoặc bán bớt tài sản không cần thiết. Điều quan trọng là bạn nên duy trì và bảo vệ quỹ khẩn cấp của mình để sẵn sàng sử dụng màkhông phải rút tiền từ tài khoản đầu tư. Việc xây dựng một quỹ khẩn cấp trước khi đầu tư sẽ giúp bạn yên tâm và tự tin hơn trong quá trình đầu tư, đồng thời giảm thiểu rủi ro tài chính đối với bạn.
2. Trả hết nợ
Nợ là một đề tài gây ra nhiều tranh cãi trong đầu tư. Sử dụng tiền của người khác để làm lợi cho mình một cách hợp pháp chính là trình độ đỉnh cao mà chỉ có nhà đầu tư từ cấp 5 trở lên mới có khả năng sử dụng. Nợ hay đòn bẩy tài chính ( Margin) trong đầu tư giống như một con dao hai lưỡi. Nếu bạn tài giỏi trong việc sử dụng nó, bạn sẽ thu được lợi ích gấp nhiều lần người bình thường. Còn nếu bạn không đủ khả năng khống chế nó, nó sẽ làm cho bạn khốn đốn.
Trong đa số các trường hợp, việc trả hết nợ trước khi đầu tư là một quyết định sáng suốt. Trả nợ trước khi đầu tư giúp bạn giảm bớt rủi ro tài chính trước khi thực hiện hoạt động đầu tư. Lãi vay thường là một khoản chi phí đáng kể và có thể tăng lên nếu bạn không thanh toán đúng hạn. Tiền lãi sẽ gây áp lực lên tinh thần. Từ đó làm giảm khả năng đầu tư của bạn. Khi bạn không có nợ, bạn sẽ có tâm lý thoải mái hơn và các quyết định đầu tư của bạn sẽ thông minh, hiệu quả hơn.
3. Xác định mục tiêu
Việc xác định mục tiêu đầu tư là một bước quan trọng để bạn có thể đầu tư một cách hiệu quả. Việc đầu tư không chỉ đơn giản là đưa tiền vào cho người khác và chờ đợi lợi nhuận tăng lên. Nó cần phải được thực hiện với những mục đích cụ thể. Việc xác định mục tiêu đầu tư sẽ giúp bạn đưa ra quyết định đầu tư đúng lúc, đúng chỗ và đúng cách. Nó giúp bạn định hướng để có một kế hoạch rõ ràng, giảm thiểu rủi ro tài chính và tăng cơ hội đạt được lợi nhuận như mong đợi.
Việc đầu tư mà không có mục tiêu hay kế hoạch cũng giống như việc bạn thám hiểu trong rừng nhưng trên tay không có la bàn hay bản đồ. Bạn sẽ mất phương hướng và rồi lẩn quẩn không biết mình phải làm gì, phải đối phó ra sao với những sự cố bất ngờ ập đến. Vì thế, trước khi đầu tư bất cứ thứ gì, bạn hãy ngồi xuống lấy giấy bút và bắt đầu xác định những mục tiêu mình muốn đạt được. Bạn có thể xác định mục tiêu với các yếu tố như số tiền lãi mong muốn, thời gian đầu tư, mức độ rủi ro chấp nhận, ngành nghề bạn lựa chọn để đầu tư.....
4. Hiểu dòng tiền của mình
Tùy thuộc vào công việc hiện tại của bạn, dòng tiền từ thu nhập sẽ có hai dạng. Dạng đều đặn thường xuyên và dạng bất thường. Nếu bạn là nhân viên văn phòng lãnh lương hàng tháng thì dòng thu nhập của bạn chủ yếu là dòng tiền đều. Nhưng nếu bạn là chủ một cửa hàng kinh doanh thì dòng tiền của bạn đa phần sẽ là dòng tiền không đều vì nó phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của cửa hàng bạn đang sở hữu.
Việc hiểu rõ về dòng thu nhập của mình là một trong những bước cơ bản và quan trọng nhất để chuẩn bị trước khi bắt đầu đầu tư. Bạn cần phải đánh giá mức thu nhập của mình hiện tại và dự đoán mức thu nhập trong tương lai để có thể lên kế hoạch đầu tư phù hợp với khả năng tài chính của mình. Khi đánh giá dòng thu nhập của mình, bạn cần xem xét toàn bộ các nguồn thu nhập khác nhau như lương, tiền thưởng, tiền lãi suất từ các khoản tiết kiệm, thu nhập từ đầu tư, tiền lãi từ kinh doanh, và các khoản thu nhập khác.
Sau khi xác định dòng thu nhập, bạn cần xem xét các khoản chi phí cần thiết để duy trì cuộc sống hàng ngày của mình. Bạn cần phải tính toán chi phí như tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền ăn uống, tiền gửi tiết kiệm và các khoản chi phí khác. Cuối cùng bạn có thể tính toán được dòng tiền ròng dùng để đầu tư sau khi lấy dòng tiền thu nhập trừ đi các chi phí cần thiết.
5. Thường xuyên theo dõi tài sản ròng
NAV (Net Asset Value) là giá trị tài sản ròng của một nhà đầu tư. NAV là kết quả của việc lấy toàn bộ tài sản trừ đi các nghĩa vụ nợ. Theo dõi NAV rất quan trọng trong quá trình đầu tư vì nó cho phép nhà đầu tư đánh giá hiệu quả của danh mục cũng như chiến lược đầu tư của mình. Nếu NAV tăng lên, điều này cho thấy danh mục đầu tư đang có hiệu quả tốt, chiến lược đầu tư đang mang lại hiệu quả. Ngược lại, nếu NAV giảm thì điều này cho thấy danh mục, chiến lược đầu tư của nhà đầu tư đang có vấn đề.
Theo dõi NAV danh mục còn giúp nhà đầu tư quản lý rủi ro bằng cách theo dõi tỷ lệ các khoản đầu tư của mình. Nếu một khoản đầu tư chiếm nhiều phần trăm trong danh mục, điều này có thể tăng độ rủi ro cho danh mục nếu khoản đầu tư đó không thành công. Một nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ biết giảm thiểu rủi ro bằng cách tăng/ giảm tỷ lệ đầu tư vào các khoản đầu tư khác nhau.
6. Có kiến thức nền tảng
Có kiến thức nền tảng trong đầu tư sẽ giúp người đầu tư hiểu và đánh giá chính xác các cơ hội đầu tư, quản lý rủi ro và đưa ra quyết định đầu tư thông minh. Kiến thức nền tảng bao gồm các khái niệm và nguyên tắc cơ bản về đầu tư như cách tính toán giá trị cổ phiếu, tài sản, hoặc các chỉ số tài chính quan trọng như P/E, P/B, ROE, ROA, v.v. Ngoài ra, kiến thức về các ngành công nghiệp và kinh tế cũng là rất cần thiết để nhận biết các cơ hội đầu tư mới.
Nếu bạn có kiến thức nền tảng tốt trong đầu tư, bạn sẽ có khả năng đánh giá rủi ro và đưa ra quyết định đầu tư đúng giá và đúng thời điểm. Ngoài ra, việc hiểu rõ các khái niệm và nguyên tắc cơ bản trong đầu tư cũng giúp bạn tránh được những sai lầm đầu tư phổ biến và tăng cường khả năng đạt được lợi nhuận trong tương lai.
Nhận xét
Đăng nhận xét