Đã là lướt sóng thì sóng nào cũng giống nhau, và phải có một người (hoặc nhóm người) tạo sóng. Đây cũng là một thành phần tham gia thị trường và với room mình giờ chắc không cần phải giải thích về thành phần này nữa. Bản chất của lướt sóng là gì? Em thấy chỉ là một kiểu hành vi đánh bạc, nhưng so với đánh bạc thông thường thì có ưu điểm là có các yếu tố có thể phân tích được (như dòng tiền, các ngưỡng tâm lý, các yếu tố ảnh hưởng,...) nhưng có nhược điểm là có một lực lượng có thể chi phối thị trường ở một mức độ nào đó (tức là sự được mất của người chơi không chỉ quyết định bởi vận may rủi). Thị trường giá lên đã bắt đầu được 2 tháng (khoảng hơn 30 phiên) và lúc nào cũng bắt đầu bằng thanh khoản rất thấp và tâm lý bi quan của Đám Đông. Vì sao thanh khoản lại thấp? Em nghĩ lý do chính là Đám Đông còn cổ phiếu đâu để mà mua bán, nếu có thì cũng ít thôi. Market Makers sau một hồi xén lông cừu thì người ta thu lại hết rồi để bắt đầu một mùa nuôi lông cừu mới. Cổ phiếu chỉ là công cụ như hạt giống mà các MMs dùng để gieo, trồng và thu hoạch mà thôi. Hồi đầu sóng tháng 12, mọi người chưa tin tưởng Bank sẽ là leader sóng này, nhưng khoảng 20 phiên trở lại đây thì điều này đã được khẳng định. Đến giờ thanh khoản vẫn chỉ ở mức trên dưới 100tr cp/phiên, và cá nhân em đánh giá còn thấp so với mức xứng đáng của 2015 (em nghĩ khoảng 250tr cp/phiên) nhưng đang có xu hướng tăng lên, chứng tỏ Đám Đông sau một hồi quan sát thị trường đã bắt đầu nhận ra các "cơ hội" và giải ngân thăm dò và/hoặc MMs đã bắt đầu rải các hạt giống ra để bắt đầu một mùa trồng trọt chăn nuôi mới.
ĐÁM ĐÔNG ĐANG LÀM GÌ?
Một tỉ lệ thì sau khi quan sát nhóm Leader Bank thì đã thấy thân sóng cho nhóm này đã rõ ràng, dù đã tăng được một đoạn khá nhưng vẫn có thể giải ngân vì còn tăng nữa trong thời gian tới, tất nhiên với các phân tích (tự mình làm hoặc tham khảo) rất chi tiết và logic khoa học. Một tỉ lệ khác thì chọn cách "đi tắt đón đầu" ở những nhóm khác vì đây như thường lệ các năm sẽ là một sóng lớn, bắt đầu bằng một nhóm Leader, lan sang các Bluechips và cuối cùng là toàn bộ thị trường kết thúc ở các Penny. Quan sát thì thấy lợi nhuận thu được nếu thực hiện từng phương pháp riêng lẻ là như nhau và tương đương với mức tăng chung của chỉ số, nhưng người chơi thì ai cũng tự đắc rằng mình là một
"nhà đầu tư thông thái" vì theo đúng thời cuộc (nhóm 1) hoặc nhìn xa trông rộng (nhóm 2). Còn một nhóm khác thì năng động hơn, mua bán cả nhóm Leader và canh chừng thời điểm hợp lý để nhảy sang các nhóm khác sau khi nhóm Leader hết có khả năng ăn tiếp.
Một thành viên của Đám Đông thường không tự đưa ra quyết định một mình mà hay tham khảo một vài người khác, có thể là brokers hoặc không, và sau khi người đó ra tín hiệu ủng hộ thì càng tin tưởng hơn vào sự lựa chọn, họ tự tin hơn khi mua bán.
HÀNH ĐỘNG CỦA CÁC MM?
Em quan sát khoảng 3 sóng lớn trở lại đây thì thấy 3 đặc điểm chung (1) Chỉ số tăng/giảm cùng với thanh khoản và hầu hết (khoảng 90%) số lượng cp là tăng/giảm cùng với chỉ số, với mức tăng/giảm tương đương hoặc chênh lệch không quá nhiều, (2) tin tức hỗ trợ tích cực khi chỉ số tăng và tiêu cực khi chỉ số giảm, nhưng không tin tức nào là thực sự hữu ích lâu dài, tức là chỉ vài tuần sau, tin tức đã thay đổi từ tích cực sang tiêu cực, và ngược lại và (3) các room hay diễn đàn đều nhận thức được sóng với độ trễ tương đối lớn, dĩ nhiên vì khi mà MMs bắt đầu tạo sóng thì Đám Đông vẫn còn đang bị ngập trong sóng trước đó. Một bài viết dài trong Tết của em đã đề cập đến động thái của khối nước ngoài với một số Bluechips khác Bank và giờ em vẫn tin tưởng MMs đã bắt đầu tạo sóng ở các cp này với mục đích khuếch đại ra toàn thị trường trong quý I.
VẬY MỤC ĐÍCH BÀI VIẾT NÀY LÀ GÌ?
Em chỉ muốn nói mọi phân tích của Đám Đông đều là tín hiệu trễ, và ở mức độ nào đó bị lái theo hướng của MMs, tức là họ muốn Đám Đông phân tích như vậy. Một số trong Đám Đông vào ra nhanh chóng đã kiếm được một ít lợi nhuận, nhưng tiếp tục giao dịch năng động như vậy trong thị trường giá xuống thì lại cắt lỗ và mất hết. Một số khác thì chỉ có mất tiền. Chỉ một số rất nhỏ tỉnh táo nhận thức được thị trường giá xuống và đứng ngoài quan sát sau khi đã ăn được một ít ở BullMarket, nhưng số này hiếm hơn cả động vật quý hiếm. Bản chất của việc lướt sóng nhìn từ góc độ Đám Đông là việc đọc được tâm lý của MMs, mà lại phải thông qua dấu hiệu trung gian là các động thái dao dịch, chứ không được gặp mặt trực tiếp. Còn nếu nhìn từ góc độ MMs thì bản chất của việc lướt sóng chính là việc chăn nuôi cừu để xén lông, việc này được thực hiện thế nào? Cổ phiếu của doanh nghiệp ngoài một phần cố định do những người nắm giữ thực sự (kiểu lãnh đạo hay cổ đông chiến lược) không bán thì có một phần trôi nổi trên thị trường để tạo thanh khoản cho các giao dịch. Có thời điểm Đám Đông nắm giữ chúng, nhưng họ thường không giữ lâu mà sẽ bán đi, và ai mua, chính lại là các MMs. Tức là thực chất, lượng cổ phiếu trôi nổi này luôn thuộc quyền sở hữu (gồm quyền sử dụng và định đoạt) của MMs, Đám Đông chỉ là thuê lại một ít và tự lừa lọc nhau kiếm cháo mà thôi. Tại sao lại không phải ngược lại, tức là MMs thuê của Đám Đông vì hai lực lượng này hoàn toàn bình đẳng, bởi vì chính MMs mới sở hữu lượng tư bản (tức là tiền) lớn hơn và là lực lượng tạo sóng.
KẾT LUẬN: Mọi thống kê đều chỉ ra rằng hơn 90% số người tham gia thị trường bị thua lỗ. Điều này có lẽ hoàn toàn đúng, nhưng đó chỉ là về số lượng, bởi vì số lượng MMs thì ít là đúng rồi, còn Đám Đông thì nhiều vô kể và từ nhiều thành phần khác nhau, có đợt cả Bảo vệ lao công cũng đua nhau mua chứng. Còn nếu xét về giá trị, em ước đoán khoảng 2/3 lượng tiền là thu được lãi, còn 1/3 lượng tiền còn lại là của 90% Đám Đông, và thường bị MMs thu lại sau mỗi mùa chăn cừu. Sau đó Đám Đông lại có một lượng tiền mới đến từ bên ngoài để tham gia vào thị trường, bắt đầu cho một mùa chăn nuôi mới của MMs.
Nhận xét
Đăng nhận xét